Ngành Hàn Quốc học, Nhật Bản học… dạy những gì?

Ngành Hàn Quốc học và Nhật Bản học là học những gì? Đó là câu hỏi của những sinh viên chuẩn bị học ngành Hàn Quốc học, Nhật Bản học, câu trả lời là…

Các ngành Trung Quốc học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học… luôn thu hút nhiều sinh viên theo học ở các trường ĐH khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, nhiều học sinh băn khoăn các khoa này có phải đơn thuần chỉ giảng dạy ngôn ngữ, bởi nếu vậy chỉ cần học ở các trung tâm ngoại ngữ, còn ĐH thì đăng ký thêm một ngành khác?

Học biên dịch, ngoại giao, du lịch…

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Phức – trưởng khoa ngữ văn Trung Quốc Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), sinh viên học ngành ngôn ngữ Trung Quốc ngoài việc học tiếng Trung còn có cơ hội theo đuổi nhiều hướng như giảng dạy, biên – phiên dịch Việt – Trung, thương mại – ngoại giao, du lịch…

Đồng thời, sinh viên còn được trang bị thêm tiếng Anh, khi ra trường phải có chứng chỉ B1 theo khung châu Âu.

“Do đó, vào khoa ngữ văn Trung Quốc bạn sẽ không lo cảm thấy nhàm chán vì chỉ phải học tiếng Trung suốt ngày. Cơ hội việc làm của sinh viên ngữ văn Trung Quốc trước nay luôn lý tưởng”, thầy Phức nói.

Tương tự với ngành Nhật Bản học, Hàn Quốc học… sinh viên cũng có thể mở rộng và đào sâu kiến thức trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử đến tôn giáo, văn học… ngoài việc liên tục nâng cao tiếng Nhật, tiếng Hàn. Các môn được thiết kế từ nhập môn đến chuyên sâu giúp sinh viên có thể nắm vững chuyên môn dù theo nhiều định hướng khác nhau.

Theo TS Huỳnh Trọng Hiền – trưởng khoa Nhật Bản học Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), muốn trở thành sinh viên ngành này trước tiên và quan trọng nhất bạn cần có đam mê, yêu thích về đất nước và con người Nhật Bản.

“Chỉ có niềm đam mê mới cho các bạn thêm năng lượng đạt được những mục tiêu mình đã đặt ra” – TS Hiền chia sẻ.

Nhiều học bổng du học

Do học sinh có thể xét tuyển cả khối D1 và khối D4 (toán – văn – tiếng Trung) vào ngành ngữ văn Trung Quốc nên không ít bạn lo ngại mình không biết gì về tiếng Trung sẽ khó khăn trong quá trình học.

Tuy nhiên, theo thầy Phức, trên 95% sinh viên của khoa đều thi ngoại ngữ đầu vào là tiếng Anh, khi vào khoa tất cả sinh viên đều phải học tiếng Trung trình độ vỡ lòng. “Vì vậy thông thường khoảng hết năm 2 năng lực tiếng Trung của sinh viên trong khoa hầu như ngang nhau” – thầy Phức cho hay.

Sinh viên ngữ văn Trung Quốc còn có nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn học bổng trong và ngoài nước rất đa dạng, trong đó rất nhiều sinh viên đã tranh thủ các nguồn học bổng này để tìm cơ hội du học.

Sau khi tốt nghiệp, hoặc ở giai đoạn chuẩn bị tốt nghiệp, các thầy cô sẽ tiến cử sinh viên ứng tuyển rất nhiều nguồn học bổng khác nhau ở các trường ĐH có giảng dạy hoặc đào tạo tiếng Hoa ở Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Singapore…

Ngành Nhật Bản học, hằng năm khoa thường có từ 20 – 30 suất học bổng đi Nhật dành cho sinh viên. Chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện bao gồm trình độ tiếng Nhật, kết quả học tập và điểm rèn luyện đạt chuẩn… theo từng loại học bổng, sinh viên có thể nộp hồ sơ.

TS Hiền cho biết thêm đối với sinh viên ngành Nhật Bản học, cơ hội việc làm rất nhiều cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Theo đó, các công ty Nhật Bản hoặc các công ty Việt Nam có đối tác là Nhật Bản luôn cần nguồn nhân lực có trình độ cao và thông thạo tiếng Nhật.

Do đó, khi nắm trong tay công cụ hữu dụng là ngôn ngữ, sinh viên có rất nhiều cơ hội làm việc ở trong môi trường giao lưu quốc tế ngày càng rộng mở. Trong khi sinh viên ngành Hàn Quốc học cũng có rất nhiều cơ hội nhận học bổng du học tại xứ sở kim chi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *